Khoảng cách gần 80 km với đất liền đã khiến đảo Cô Tô ít nhiều chưa được du khách quan tâm trong quá khứ. Nhưng, mọi chuyện đang dần thay đổi trong vài năm gần đây.
Kể từ khi lĩnh vực du lịch được huyện đảo này xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, Cô Tô dần thay đổi và nổi lên như một điểm đến mới trên bản đồ du lịch Quảng Ninh. Cụ thể, năm 2016, Cô Tô đã đón 300.000 lượt khách, đặc biệt là có tới 676 lượt khách nước ngoài, với tổng doanh thu du lịch ước đạt 400 tỷ đồng. Còn trong 9 tháng năm 2017, Cô Tô đã đón khoảng 250.000 lượt khách với hơn 1.000 lượt khách quốc tế
Sự thay đổi ấy là kết quả từ một quá trình dài. Nhưng, nếu chọn một cột mốc quan trọng, hẳn nhiều người sẽ nhắc tới tháng 4/2016, thời điểm việc UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1288/QĐ-UBND công nhận huyện Cô Tô là Khu du lịch địa phương. Theo đó, người nước ngoài đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam có hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu hợp lệ đến huyện Cô Tô không phải xin giấy phép như trước.
Theo lãnh đạo huyện Cô Tô, riêng trong năm 2016, huyện đã tổ chức 3 khóa đào tạo về du lịch bền vững, homestay, tiêu chuẩn cơ sở lưu trú; 5 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập trung vào chế biến món ăn, buồng, bàn, bar; 3 lớp “Tiếng Anh cộng đồng” miễn phí cho 150 người làm việc tại cơ sở lưu trú, nhà hàng, bán vé tàu, lái xe điện, xe ôm…Tận dụng được nguồn nhân lực tại chỗ như vậy, huyện đảo Cô Tô đã dần đáp ứng được các nhu cầu đa dạng của du khách, đồng thời từng bước khiến người dân nơi đây trở thành những người biết khai thác tiềm năng du lịch từ ngay chính quê hương mình.
Bởi thế, khi nói về Cô Tô, trên những diễn đàn dành cho du lịch đã nhắc tới chuyện những người dân đảo trả lại tiền và tài sản của khách bỏ quên, chuyện xe đạp, xe máy trên đảo có thể để bất kỳ đâu không phải rút chìa khóa, chuyện những du khách bị lỡ tàu vẫn có thể được chủ nhà giúp đỡ ăn nghỉ mà không lấy tiền. Và, theo chia sẻ của các du khách, đã có nhiều người quay trở lại hòn đảo này tới lần thứ 2, thứ 3, để tìm kiếm những trải nghiệm mới và cũng để thăm lại những người chủ homestay mến khách.
Hiện tại, trên địa bàn đảo Cô Tô đã có khoảng trên 300 cơ sở lưu trú với trên 2.500 phòng nghỉ phục vụ khách du lịch. Kèm theo đó, giao thông đường thủy vận chuyển khách ra, vào đảo cũng dần được nâng cấp với sự tham gia hoạt động của 26 tàu cao tốc, mỗi tàu có thể chạy được 4 chuyến trong ngày để đưa đón du khách theo tuyến Cô Tô – Vân Đồn. Đặc biệt, đến tháng 10 này, Cô Tô sẽ chính thức triển khai hỗ trợ thông tin miễn phí qua tin nhắn điện thoại về các nội dung: thời tiết, đường dây nóng du lịch, tình hình phát triển kinh tế – xã hội, chủ trương, chính sách, pháp luật… gửi đến người dân, hộ kinh doanh du lịch trên địa bàn và du khách khi tới đảo.
Đảo Cô Tô đang chuyển mình để trở thành một hòn ngọc mới trên bản đồ du lịch Quảng Ninh.